GDP là gì mà trong bản tin tài chính rất thường hay nhắc đến, trong các môn học của sinh viên như Kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô cũng không thể thiếu chỉ số này. Bài viết dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm của GDP và tình hình GDP tại Việt Nam trong năm 2020, mục tiêu Việt Nam hướng tới trong năm 2021.
TÓM TẮT NỘI DUNG
Khái niệm: GDP là gì?
GDP được viết tắt bởi cụm từ Gross Domestic Product (dịch nghĩa: Tổng sản phẩm quốc nội), bên cạnh GDP còn có GNP là tổng sản phẩm quốc dân, đây là hai thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong ngành kinh tế nhằm đo lường tổng giá trị của tổng lượng hàng hóa, dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong thời kỳ nhất định.
Trong đó, GDP đo lường tổng giá trị của tổng hàng hóa, dịch vụ cuối dùng được sản xuất trong phạm vi duy nhất một lãnh thổ (VD công dân trong nước và công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Thái Lan, Mỹ, Campuchia,… ) tại thời kỳ nhất định (1 quý, 1 năm).
GNP đo lường tổng giá trị của tổng hàng hóa, dịch vụ cuối cùng được sản xuất bởi công dân một quốc gia trong một thời kỳ nhất định (VD công dân mang quốc tịch Việt Nam, sinh sống ở Việt Nam hoặc sinh sống ở quốc gia khác đều được tính là GNP).
Chính vì hai khái niệm này có nét tương đồng nên khá nhiều người nhầm lẫn, để phân biệt được GDP và GNP chúng ta cần hiểu được bản chất của nó.
GDP bình quân đầu người là kết quả sản xuất, kinh doanh của mỗi công dân trong một nước mỗi năm. Tại một thời điểm, có thể tính được GDP bình quân đầu người bằng cách lấy tổng GDP chia cho tổng số dân cùng thời điểm. Thông thường, để đánh giá tốc độ tăng trưởng của một quốc gia người ta thường sử dụng chỉ số GDP thay vì GNP.
3 phương pháp tính GDP
Để tính GDP các chuyên gia thường sử dụng 1 trong 3 phương pháp tính dưới đây, tùy vào những góc độ khác nhau để tính ra GDP, tuy nhiên 3 cách tính này sẽ đều cho kết quả như nhau.
1 – Phương pháp sản xuất
Công thức tính:
GDP = Giá trị gia tăng + Thuế nhập khẩu
GDP = Giá trị sản xuất – chi phí trung gian + thuế nhập khẩu
Trong đó:
- Giá trị gia tăng được tính có thể là tiền công, khấu hao tài sản cố định, thu nhập của nhà sản xuất, bảo hiểm…
2 – Phương pháp chi phí
Phương pháp chi phí hay còn gọi là phương pháp thu nhập, GDP được tính bằng tổng các loại tiền lương (W), tiền lãi (I), lợi nhuận (Pr), tiền thuê (R), thuế gián thu (Ti), khấu hao tài sản cố định (De).
Công thức tính:
GDP = W + I + Pr + R + Ti + De
3 – Phương pháp chi tiêu
Phương pháp chi tiêu hay còn gọi là phương pháp sử dụng cuối cùng, phương pháp tính tổng chi tiêu. GDP ở đây được tính theo tổng chi tiêu của các hộ gia đình, của chính phủ, của doanh nghiệp và cán cân thương mại.
Công thức tính:
GDP = C + G + I + NX
Trong đó:
- C: Tổng chi tiêu của các hộ gia đình (mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ…)
- G: Tổng chi tiêu của chính phủ: vào các hàng hóa, dịch vụ công cộng như giao thông, trường học, bệnh viện…
- I: Tổng chi tiêu của doanh nghiệp: vào các thiết bị máy móc, kho bãi, nhà xưởng…
- NX: Cán cân thương mại là sự chênh lệch giữa xuất khẩu (X) và nhập khẩu (M), NX = X – M.
Như vậy có thể tính GDP như sau:
GDP = C + G + I + X – M
Tình hình GDP ở Việt Nam năm 2020 và dự đoán năm 2021
Trước một năm thế giới suy sụp bởi đại dịch Covid, nền kinh tế Việt Nam vẫn may mắn duy trì được sự ổn định và được đánh giá là có triển vọng tăng trưởng nhanh trong khu vực và trên cả thế giới. Năm 2020 vừa qua đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết lại, quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện đang đạt mức khoảng 343 tỷ USD với mức GDP bình quân đầu người khoảng 3.521 USD.
Dưới tác động của đại dịch, không ít các quốc gia bị suy thoái, doanh nghiệp đóng cửa, người lao động mất việc làm, thế nhưng nhờ sự cứng rắn khi kiểm soát dịch bệnh của Nhà nước Việt Nam đã giúp chúng ta duy trì được mức tăng trưởng dương (+ 2.91%). Việt Nam đã, đang và sẽ phấn đấu tăng trưởng hơn nữa, dự kiến năm 2021 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP lên 6%, GDP bình quân đầu người tăng lên 3.700 USD.
Việt Nam là một nước đang phát triển còn cần rất nhiều sự cố gắng của toàn thể nhân dân, những người lao động và các doanh nghiệp cùng chung tay đẩy mạnh nền kinh tế nước ta. Qua bài viết trên đây, hy vọng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về GDP là gì và nắm bắt được tình hình kinh tế nước nhà.