Ngành Logistics ngày nay đang rất phát triển. Có nhiều trường Đại học, Cao đẳng tại Việt Nam đã mở thêm ngành này để đào tạo sinh viên cho bắt kịp với xu hướng thời đại. Vậy Logistics là gì? Cũng Ben Computer tìm hiểu về ngành này nhé!
TÓM TẮT NỘI DUNG
Logistics là gì?
Theo LAC – Hội đồng quản trị logistics Hoa Kỳ: “Logistics là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát dòng di chuyển và lưu kho những nguyên vật liệu thô của hàng hóa trong quy trình, những hàng hóa thành phẩm và những thông tin liên quan từ khâu mua sắm nguyên vật liệu đến khi được tiêu dùng, nhằm thỏa mãn yêu cầu của người tiêu dùng.”
Như vậy có thể hiểu một cách đơn giản hơn, Logistics là toàn bộ các hoạt động liên quan đến hàng hóa bao gồm đóng gói, lưu kho, bảo quản, vận chuyển… Một doanh nghiệp có hoạt động logistic hiệu quả chắc chắn sẽ giảm được chi phí đáng kể.
Quá trình thực thi hoạt động logistics
Bao gồm 3 hoạt động chính:
1 – Đầu vào: thu thập, tiếp nhận nguyên vật liệu từ các nhà cung cấp.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm sau khi hoàn thành, việc kiểm tra kỹ lưỡng đầu vào là điều rất cần thiết, tránh các trường hợp nguyên vật liệu nhập về kém chất lượng, thiếu hoặc giá cao. Nhiệm vụ này thuộc về bộ phận mua hàng – người trực tiếp tìm nguồn hàng và đàm phán với các nhà cung cấp.
2 – Đầu ra: lưu kho hàng hóa, phân phối đến các đại lý, nhà bán buôn – bán lẻ, đến khách hàng…
Doanh nghiệp cần lựa chọn để kết nối với các nhà phân phối (đại lý, nhà bán buôn, bán lẻ…) để tăng thêm lượng cung hàng hóa, giúp khách hàng có nhiều địa điểm để lựa chọn mua hàng hơn. Doanh nghiệp cũng cần có các chính sách hợp lý đảm bảo quyền lợi hai bên để duy trì nguồn cung tốt nhất.
3 – Thu hồi: những sản phẩm lỗi sau khi phân phối hoặc phế liệu sau khi khách hàng sử dụng đem về để tái chế và xử lý.
Doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với các nhà phân phối để thu mua lại những sản phẩm lỗi đã cung cấp cho khách hàng, ngoài ra có các chương trình thu phế phẩm (Ví dụ: bao bì, vỏ chai,…) nhằm tái chế, tái sử dụng, vừa có lợi cho môi trường, có lợi cho doanh nghiệp và có lợi cho cả khách hàng.
Học Logistics ra làm gì?
Hiện nay, ngành Logistics là một ngành đang rất hot và được đào tạo tại rất nhiều trường đại học. Cụ thể sau khi ra trường bạn có thể làm việc tại các công ty hay doanh nghiệp chuyên về cung cấp dịch vụ Logistics, công ty vận tải, công ty xuất nhập khẩu,…. Các vị trí dành cho sinh viên khi theo đuổi ngành này bao gồm có:
- Nhân viên xuất nhập khẩu
- Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu
- Nhân viên chứng từ
- Nhân viên thu mua
- Nhân viên quản lý hàng hóa
- Nhân viên điều hành hoạt động vận tải
- Nhân viên Logistics
- Nhân viên thanh toán quốc tế,….
Lộ trình phát triển và thăng tiến của một nhân viên Logistics bao gồm có:
Logistics Officer => Logistics Supervisor => Logistics Manager => Logistics Director => Supply Chain Director.
Nắm bắt cơ hội trong ngành Logistics
Ngành logistics hiện nay đang được coi là ngành rất “hot”, có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế giúp việc hoạt động logistics trở nên dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đẩy mạnh phát triển.
Bên cạnh đó, công nghệ 4.0 giúp việc tìm kiếm nhà cung cấp dễ dàng hơn, sản xuất với máy móc tiên tiến hơn, tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn thông quá các nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử. Doanh nghiệp Việt Nam không chỉ có thể khai thác thị trường nội địa mà còn hướng tới những khách hàng quốc tế.
Ngành logistics phát triển đồng nghĩa với cơ hội việc làm trong ngành này cũng tăng lên. Hiện nay số lượng lao động tham gia ngành logistics tập trung chủ yếu ở hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh với tổng lên đến hơn 1.5 triệu lao động và dự tính sẽ còn tăng thêm nữa.
Thách thức mà ngành logistics Việt Nam đang phải đối mặt?
Song song với cơ hội luôn là những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt. Mặc dù số lượng doanh nghiệp theo ngành logistics là không ít, lên tới 1500 doanh nghiệp nhưng đến 70% trong số đó thuộc dạng vừa và nhỏ, rất khó để cạnh tranh với các doanh nghiệp quy mô lớn, đa quốc gia.
Công nghệ kém phát triển hơn so với các nước trên thế giới cũng khiến ngành logistics của Việt Nam gặp khó khăn. Người sử dụng công nghệ cũng chưa nắm bắt được cách thức ứng dụng công nghệ vào việc quản lý vì vậy cũng dẫn đến hiệu quả thấp.
Nhân công nhiều nhưng chuyên môn chưa có nhiều, theo Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho kết quả rằng đến 53.3% số doanh nghiệp thiếu thốn nhân sự có chuyên môn, 30% số doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân sự về phải đào tạo lại và con số 6.7% là số doanh nghiệp tạm hài lòng với trình độ chuyên môn về logistics của nhân viên.
Có thể thấy ngành logistics là một ngành tiềm năng và cơ hội đang rộng mở với các bạn sinh viên đang theo học ngành này. Có nhiều trường đã mở rộng thêm chuyên ngành logistic để các bạn có thể được đào tạo về chuyên môn, theo kịp với xu hướng trong nước và quốc tế, từ đó đóng góp công sức vào sự phát triển ngành logistics tại Việt Nam. Để thành công trong ngành này hay bất kỳ một ngành nghề nào khác thì cũng cần có sự cố gắng không ngừng nghỉ.
Những bạn muốn tìm hiểu và tham gia vào ngành này có lẽ đã hiểu được phần nào logistics là gì. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp ích cho bạn đọc.